-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
HỒNG TRÀ " FÌN HÒ TRÀ"
29/10/2020 Đăng bởi: FÌN HÒ TRÀHỒNG TRÀ CỦA “FÌN HÒ TRÀ”
Giải thích từ ngữ: "Phìn Hồ" hay "Fìn Hò" là tên của địa danh, đều có ý nghĩa giống nhau, nguyên âm khác nhau vì "Phìn Hồ" là ngôn ngữ phổ thông Việt Nam, còn "Fìn Hò" là ngôn ngữ của dân tộc người dao đỏ ở Hà Giang.
Giải thích từ và cụm từ: Vì sao lại gắn 2 từ ngữ "Fìn Hò" với từ "Trà" thành cụm từ "Fìn Hò Trà" vì cây chè mọc lên ở chính địa danh của thôn "Phìn Hồ" hay còn gọi "Fìn Hò", được gọi là "Fìn Hò Trà" theo đúng cách gọi người dân tộc Dao đỏ từ xa xưa.
Về ý nghĩa các từ: "Fìn, Hò, Trà" từ tiếng dân tộc Dao đỏ Hà Giang sang tiếng Phổ thông Việt Nam cụ thể "Fìn" là "Bằng" có nghĩa là vị trí có mặt bằng; "Hò" là "nước" có nghĩa nước trong hồ, nước suối…; "Trà" chính là chè dùng để làm đồ uống.
Câu chuyện "Fìn Hò Trà" là được bắt nguồn truyền thuyết kể lại từ xa xưa của người Dao đỏ ở thôn Phìn Hồ (Fìn Hò), xã Thông Nguyên, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang. Truyền thuyết kể rằng: ngày xửa ngày xưa Phìn Hồ là vùng đất hoang sơ, chủ yếu là rừng nguyên sinh, có diện tích tự nhiên khoảng 500ha, có độ cao trung bình 1300m, có hình thù địa giới của thôn trải dài giống như một cây chè cổ thụ. Thôn Phìn Hồ cách xa trung tâm hành chính xã Thông Nguyên là 10km, cách trung tâm hành chính huyện Hoàng Su Phì là 50km. Đường đến thôn Phìn Hồ rất khó khăn. Từ giữa thế kỷ XVI, khi đó ở thôn Fìn Hò chỉ có 03 hộ gia đình sống trong rừng núi. Trong đó có 01 hộ là dân tộc Pà Thẻn, 02 hộ là Người Dao đỏ mang họ 'Lý" sinh sống và khai Hoang đất trồng lúa, trồng ngô và chăn nuôi trâu, ngựa... Đến cuối thế kỷ XVI, hộ gia đình người dân tộc Pà Thẻn đã di cư đi nơi khác vì ở đây khí hậu quá lạnh, có mây mù quanh năm, độ ẩm cao nên không chịu được. Còn 02 hộ người dân tộc Dao đỏ mang họ "Lý" đã rất kiên trì sinh sống làm ăn ở đây, đến nay phát triển thành 58 hộ và 252 khẩu, tất cả các đều mang họ "Lý" trừ những người từ nơi khác đến thôn làm dâu, rể. Tại thời điểm cuối thế kỷ XVI, lúc đó người Dao đỏ ở đây vẫn chưa biết cây chè là cây gì, mặc dù bắt gặp rất nhiều cây chè rừng mọc hoang trên núi nhưng tưởng đây là cây gỗ hoang dại. Có một hôm bác Lý Vàn Quấy là người lớn tuổi nhất trong thôn cùng con, cháu gia đình đi chăn Trâu, làm nương, rẫy trên đỉnh núi cao nhất của thôn đã bất ngờ phát hiện trên đỉnh núi có một "Hồ nước" mặc dù không có nguồn nước cao hơn chảy vào "Hồ nước" trên cao này nhưng quanh năm ngày tháng "Hồ nước" vẫn giữ mực nước không vơi đi dù trời nắng hay mưa. Nhờ có "Hồ nước" này đã thuận lợi cho cây cối phát triển xanh tươi quanh năm. Đặc biệt đàn Trâu của thôn thời kỳ đó người dân đều chăn theo hình thức thả rông đã giúp cho đàn Trâu được uống nước và tắm ở đó. Vì điều kỳ lạ này mà người Dao đỏ ở Phìn Hồ đã thống nhất đặt tên là "Ao tiên". Bởi theo quan niệm người Dao đỏ cho rằng chỉ có thần tiên mới có thể cấp nước cho “Hồ nước” này quanh năm.
Quá trình người dao đỏ sinh sống ở đây đi săn thú, làm rẫy, chăn trâu qua lại thấy xung quanh "Hồ nước" có rất nhiều loài cây thân gỗ mọc tự nhiên, một loại cây gỗ to, thân cao, lá dài, màu xanh đậm, phiến lá có răng cưa, nở hoa màu trắng, thơm. Họ nghĩ đây là một loại cây thuốc chữa bệnh nên đã hái lá mang làm thuốc tắm, giã nhỏ chữa vết thương thấy khỏi nhanh và hãm nước uống thử thấy ngon, có vị chát và ngọt hậu. Từ đó người Dao đỏ mới biết loại cây đó là cây chè, đặc biệt trên búp chè được phủ một lớp lông tơ bên ngoài màu trắng như tuyết nên người dân gọi là chè tuyết (viết đầy đủ là chè Shan tuyết).
Cây chè shan tuyết không biết đã có từ bao giờ trên ngọn núi cao thôn Phìn Hồ, khi phát hiện đã thấy cây to cả một người ôm không hết. Người Dao Đỏ đã lấy hạt trồng thêm diện tích nay đã thành bạt ngàn rừng chè Shan Tuyết cổ thụ Phìn Hồ và chế biến theo cách thủ công như: Sao chè bằng chảo gang, sấy chè trên gác bếp, phơi chè khô bằng nắng, đựng chè bằng bao tải gai, chở chè đi bán bằng con ngựa… Đã trải qua nhiều thế kỷ người Dao đỏ đã biết sản xuất chế biến chè từ thủ công sang công nghệ máy móc hiện đại.
Năm 2008, nhằm phát huy thế mạnh của địa phương, bà con Dao đỏ ở đây đã cùng nhau thành lập Hợp tác xã chế biến chè Phìn Hồ để chế biến chè đáp ứng nhu cầu thị trường. Năm 2010, HTX đã đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cụm từ “Fin Hò Trà”, từ đó HTX đã xây dựng thành công thương hiệu, hình ảnh người Dao đỏ chân chất, kiên trì gắn với sản phẩm tiêu thụ ở thị trường trong và ngoài nước. Vì thế, không chỉ những người yêu Chè/Trà ở Việt Nam mà rất nhiều người yêu Chè/Trà trên thế giới đều đã biết đến các sản phẩm của HTX với hình ảnh người Dao đỏ và địa danh Fin Hò gắn với cây chè.
Đến nay, HTX đã có 5 dòng sản phẩm khác nhau mang nhãn hiệu Fìn Hò Trà đó là: Trà xanh, Hồng trà, Trà đen, Bạch trà, Trà Tiên. Mỗi loại sản phẩm đều có hương và vị khác nhau tùy thuộc sở thích của người dùng. Các sản phẩm của Fìn Hò Trà đều chế biến từ những búp chè non nhất của những cây chè Shan tuyết cổ thụ trong vùng chè được tổ chức liên minh Châu Âu chứng nhận sản phẩm Organic Eu từ năm 2015.
Từ câu chuyện trải qua nhiều thời kỳ, nay Fìn Hò Trà đã được tham gia cuộc thi đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp Quốc gia năm 2020 với 02 sản phẩm đó là: Trà xanh và Hồng Trà.
Hình ảnh người dao đỏ thu hái chè vào tháng 3 âm lịch.
Sản phẩm Hồng trà được tuyển chọn từ những búp trà non chế biến theo quy trình lên men và xử lý các khâu đoạn theo đúng kỹ thuật tiên tiến đảm bảo thơm ngon đem lại lợi ích và an toàn tuyệt đối cho sức khỏe khi sử dụng sản phẩm. Sự kết hợp hài hòa mang đậm bản sắc giữa văn hóa người Dao đỏ và nền văn hóa uống trà trên thế giới thể hiện qua hình ảnh thiết kế mẫu mã bao bì, chất lượng sản phẩm, hướng dẫn cách pha, cách uống… Vị Hồng trà có vị ngọt và chát nhẹ, hương Hồng trà có hương thơm gần giống như hương thơm quả táo chín, Hồng trà được các nước phương tây rất ưa chuộng
|
|
Hình ảnh sản phẩm Hồng Trà
Thưởng thức sản phẩm Hồng Trà mang nhãn hiệu Fìn Hò Trà bạn không chỉ đang tận hưởng hương vị của núi ngàn thôn Fìn Hò, xã Thông Nguyên mà còn cảm nhận được tình người chân chất nơi đây, làm cho những ai uống thử một lần cũng phải nhung nhớ mãi về sau./.
Trân trọng!